Văn Chương M.T

Nghe Văn Chương thì hơi to to, các tác giả cứ "trút bàu tâm ... lý sự" vào đây cho mọi người thưởng thức từ những bữa cơm đạm bạc nhất cho đến những "đêm sung sướng" nhất !!! ???

Hồi ký, kể chuyện ... thoải mái !

Văn chương MT

Chiều xuân

Người đến từ hôm nay 24/02/2015
Date: 24/02/2015

Lang thang trên phố chờ xuân đến
Xuân đến rồi mà lòng xuân chưa đến.

Tiết se lạnh của những ngày kề xuân làm nâng nâng lòng người , nhạc cũ xưa , giọng ca Duy Khánh vang lên kéo những ký ức xa xưa trở về, những ngày cuối tuần, cuối năm cũng nhẹ theo nhạc xuân, Một buổi sáng cận kề mùa xuân ngại ra khỏi giường cứ muốn ủ nướng trong mền, với tay tìm nhạc , Thanh Thúy đưa ''Mùa xuân đầu tiên '' đến, nhắc lại mùa xuân ba chín , bốn mươi năm trước , nằm trong mền ấm để nhớ về người nhạc sĩ già, người nhạc sĩ đã từng trải qua vinh quang và cay đắng , trải qua rồi vinh và đắng mà lời nhạc cứ ngập ngừng, xuân , niềm vui mà cứ quyện với nét buồn, buồn cứ vương vấn trong mùa xuân, mùa xuân lắng đọng của đời người , một giấc mơ xuân đến muộn của đời người , con chim ngỡ ngàng trước cánh cửa lồng rộng mở ? cánh chim từng chờ đợi , cánh chim lòng phải được tung bay, phải lượn trong gió xuân chứ không phải bị giam hãm , để ngục tù , tiếng chim có ai oán trong mùa xuân thì cũng đưa xuân về, khi muôn hoa đua nở , bánh chưng xanh, dưa hành, củ kiệu, rượu bia đủ đầy chưa phải là vị ngon nhất trong ẩm thực mùa xuân, nếu không có nhạc xuân, nhạc xuân buồn, nhạc xuân buồn mới sưởi ấm được ký ức ... nhấp chén rượu đầu xuân ta uống cả ký ức những mùa xuân trước .

Sài Gòn những ngày vào xuân buổi sáng se lạnh đường phố thêm sắc áo cho lòng thương nhớ vu vơ, trong nét cọ xuân run run hơi ấm ,
thiên nhiên như đúng hẹn hoa mai chưa nở mà cây cần thăng già trước ngõ đã thay lá xanh mướt và đơm hoa trắng nguyên một vùng trời, thời gian qua nhanh quá những trái mùa trước vẫn còn đeo bám trên cây .
Một chiều xuân lang thang trên phố , sài Gòn đang rộn rã chuẩn bị đón năm mới, những đường phố lớn trung tâm được chăn lại để thi công nhà ga metro và thực hiện đường hoa Ất mùi, các ngả đường đều kẹt xe liên tục dù có sự điều phối cùa công an , hết len lỏi qua các hè phố, ngồi quán nước ven đường ngắm nhìn sinh hoạt thành phố nhìn những khách sang trọng ra vào các trung tâm mua sắm các nhà hàng sang trọng , những hàng quán bán rong hè phố , nhìn những tấm pano thật lớn che chắn những khoảng đất làm nơi giữ xe , những pano in hình chợ Bến Thành,hình bùng binh trung tâm Quách thị Trang, hình những vườn hoa trong thành phố ....
Đường Lê Lợi tương đối thông thoáng cho người bộ hành dẫn tôi qua những cửa hàng , dẫn qua 62 Lê Lợi , dẫn tôi tới trước cửa chợ Bến Thành , đứng trước cửa chợ ngắm nhìn bùng binh trung tâm thành phố .... thành phố xa lạ quá , xa lạ với ký ức của tôi dù đã biết trước. Tượng đài Trần nguyên Hãn đã được di dời thay vào đó là những mô hình trang trí bằng hoa, một ngôi sao to tướng đặt giữa, bên đó là số 40 màu đỏ chót, những cánh chim lạc lõng bay lên...

Tôi choáng với cảm giác ngột ngạt , cảm giác hụt hẫng, cảm giác mất mát tôi đâu mất gì ? hay có mất gì? đầu tôi tìm một chỗ thở, chân lết theo đường Trương Định tìm chỗ thoáng, công viên tượng Tao Đàn chiều nay vắng người quá , công viên chiều nay buồn quá, những tượng đá vô hồn quá, nhạt nhẽo quá dãy ghế cuối công viên chỉ có mình tôi , trước mặt bên kia đường trong khuôn viên tao đàn người ta đang hối hả làm những mô hình bằng xốp, gió chiều quẩn xoay những mảnh xốp vụn bay lên vật xuống, sau lưng chỗ tôi ngồi là tượng ''bàn tay nắm đấm''một nắm đấm yếu ớt bất lực, bất lực như người ngồi đây , ngồi đây mà lòng nặng như tượng đá, nỗi buồn gió chẳng cuốn đi nó cứ quẩn mãi trong lòng .

Hiện tại trong tay ta ư? tương lai trong tay trong tay ta ư ? còn quá khư tôi như người bị đánh mất , hè phố Lê Lợi không còn đẹp trong lòng mình như thập kỷ 70 , 80 không còn những đống sách cũ vỉa hè , những típ sơn dầu xài dở dang, những cây cọ cũ đầy hấp dẫn gợi nhiều thèm thuồng , số 62 Lê Lợi không còn là vương quốc của tâm hồn nữa .
Tượng đài danh tướng Trần nguyên Hãn đứng đó mấy chục năm không còn nữa, đánh mất hình tượng là đánh mất hồn thiêng , đổi hình thể là đánh tráo công danh . Mùa xuân chưa kịp đến người ta đã khoác vội cho Sài Gòn con số 40 .
Ai đã được gì ở số 40 ? Ai đã mất gì ở số 40 ấy ? hay nó tượng chưng cho con số 400.000 người Việt Nam đã chết trong lòng biển trên đường vươt biên sau ngày 30-4 năm ấy ? hay là 40 năm cào bằng mang lại công bằng cho mọi người ? hay 40 năm của sự thất bại ? hay 40 năm rồi vẫn còn sự khác biệt sang trọng sau lớp kính và nghèo nàn ngoài hè phố hay 40 năm rồi mà những bác tài xe ôm vẫn như là thân phận những cậu bé đánh giày của 40 năm trước ?

Sao họ không đập nát, ủi sập tượng đi thay vì di dời để tôi khỏi bị cảm giác bị lừa, bị sỉ vả. Mai sau có ngồi trên những toa tàu sang trọng cũng không dám tự hào, bởi ta đã đổi nó bằng hồn thiêng sông núi , danh dự của chúng ta và tiền nhân, chỗ danh tướng đứng mãi là nơi hồn thiêng sông núi, là bài học chống ngoại xâm, không thể có gì thay thế được. Hậu thế sẽ xét xử chúng ta. Khi danh tướng sinh thời vua Lê đã hiểu nhầm , người sau đã làm sáng tỏ nỗi oan ấy. và hôm nay chúng ta lại làm phiền lòng danh tướng liệu chúng ta và hậu sinh chúng ta sẽ làm gì nữa ?

Chiều muộn mà tôi cứ ngồi đấy như chờ một người đồng cảm hay một người nào đa sầu đa cảm để cùng bật khóc cùng tôi ở một chiều xuân. Tôi đi tìm mùa xuân lại thấy nỗi buồn, buồn không riêng của tôi .Tôi đã đánh mất mùa xuân trong chiều xuân ấy .

Tb: Hôm nay mùng 6 tết khi những đóa hoa cách đây mấy ngày được nâng niu nay đã nằm trong sọt rác, những vỏ lon bia vỏ hộp bánh .... xuân đã tàn. Ngồi viết nhớ lại xuân trước du xuân khắp thành phố từ đồng lúa mùa xuân Củ Chi, vườn hoa Gò Vấp, đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa xuân Tao Đàn, làng quê, chợ hoa hồ Bán nguyệt PMH, tô bún giò Huế ở trung tâm thương mại còn nguyên vị , sáng mùng 2 tết thả bộ trên những con đường vắng trong thành phố .... nhớ .... nhớ ... vật đổi sao dời và lòng người cũng thay đổi ? ngồi nhà nhâm nhi mứt và gặm nhấm nỗi ... buồn !

Khai bút

Cô hàng xóm 24/02/2015
Date: 24/02/2015

Đầu năm cho em được khai bút
Nói nên ước muốn, nói điều ước mơ
Nói cả những gì chồng em thèm ước
Khi năm mới con dê đến với dương gian
Em xin hứa sẽ phò chàng hết sức
Cho chàng nên tuốt đỉnh vinh quang
Quyền trong tay chàng sẽ xây ngôi nhà mơ ước
Rộng hơn nhà ngói 5 gian
Cao hơn đỉnh cao trí tuệ
Cột bằng cẩm thạch, nền bằng granit chạm hoa văn
Kêu thọ nội thất về đo gỗ
Đóng ghế cho chàng tựa ghế vua
Tượng chàng em cho đúc bằng gang
Trong độn chì cho thêm sức nặng
Ngoài tượng mạ vàng 3 số 9
Hai bên cắm hàng nanh voi marut
Tay vịm ghế hình khủng long được chạm
Miệng khè lửa như cầu rồng Đà Nẵng
Năm dê nếu chàng thích như dê
Em sẽ tuyển thêm người nâng bi nữa
Chàng hãy ngồi trên ghế cao quyền lực
Cho những họa sĩ hay nắn dê nặn khỉ
Phải thèm nhỏ dãi, dãi dài cỡ râu dê
Và thốt nên , ôi ! sến ơi là sến !
Năm mới, năm dê chàng cứ ước cứ mơ
Em nguyện phò chàng đến chóp đỉnh quang vinh.

Chiều thu

Người đến từ hôm nay 24/11/2014

Tôi gọi ban, nhắn mùa thu đã ...
Đời mình có lúc tựa lá thu .

Mùa thu lướt qua thành phố như chẳng hay biết, chẳng cảm nhận. Một buổi sáng mở cửa chạm với tiết trời lạnh nhẹ chợt biết trời đã chớm đông .Thu đã qua. Thu là mùa cuối của lá, khi đã tặng mầu xanh cho hoa, cho đời, khi lá vàng là lúc lá sắp chia tay với cành, chỉ chờ làn gió xoáy nhẹ về cội.

Người thành phố cứ hối hả, nhộn nhịp, mấy khi có lúc tĩnh để nhìn cây lá để áng mùa thu, mà thu Sái Gòn lá cứ xanh, cây Sài Gòn chẳng khoe được những đường cong mỹ thuật .Trên các ngã tư ngừng chờ đèn xanh đỏ, đèn xanh chưa sáng đã vội tống ga chạy trước, thì mùa thu phải lướt nhanh qua thôi.

Mùa thu đời người cũng đến thật nhanh, thật nhẹ nhàng, một ngày nào đó nằm nghỉ trên giường bệnh, hay lúc nào chợt soi gương mới nhận ra mùa thu nơi chính mình, mùa thu của đời người không vui như vạn vật, không hồi sinh như cỏ cây, mà chỉ lụi giảm dần . Người ta đón mùa thu đời mình nhiều cách, bằng lương hưu ít ỏi, bằng tiền của tích góp được, bằng niềm vui với con cháu , bằng một công việc mới cho khuây khoa .... còn nữa ... những người bạn .

Mùa thu đời người bắt đầu từ một buổi sáng rửa mặt, soi gương, chải đầu, bỗng phát hiện một sợi tóc bạc, liền nhổ đi, mái tóc xanh trở lại, mươi ngày nữa lại thấy vài sợi tóc bạc, lại nhổ đi ... bẵng đi một thời gian , những sợi tóc bạc đếm không xuể .... tiếc, chẳng nhổ nữa .... Thôi đành chấp nhận mùa thu . Bạn bè gặp nhau vẫn tíu tít chuyện trò như quên tuổi , về nhà soi gương mới thú nhận với mình , mới thốt lên ''Thời gian trôi nhanh quá !'' ở tuổi trẻ ồn ào cứ nghĩ ,''bao giờ cho đến tuổi già ? lâu lắm !! Mà bây giờ ! Lòng người đâu nhẹ như lá, một cơn gió nhẹ lá xoay về cội, cũng chẳng vui được như cỏ úa gieo hạt vào đất .Lòng người còn nặng lắm những lo toan , những ước mơ chưa thỏa kéo dài tới lúc xuôi tay, tình cảm quanh ta cứ níu kéo như tơ vò ... Toan đã căng khung, sơn màu đã có, ý tưởng đang sắp đặt dài như vô tận . Nhưng đau ... đau ... sức trẻ đã vơi , thời gian cũng chẳng còn bao nhiêu, mà ước mơ nhiều lắm , dự định nhiều lắm nhưng tất cả như vuột khỏi tầm tay, mùa thu trong lòng chưa đến, lòng cũng chưa chấp nhận mùa thu, nhưng thu thể xác cứ kéo lòng còn xuân về với thu .... lòng càng buồn, con người sợ mùa thu đời người ! Thời gian trôi nhanh quá, mỗi khi tiễn biệt một người thân, vĩnh biệt một thầy cô hay một người quen nào đó lòng thấy lo lo.

Một buổi chiều thu tản bộ qua phố nghĩ về những hàng cây thân quen đã bị đốn bỏ, đóng cửa thương xá có nhiều mặt hàng chỉ thích xem ngắm chứ chẳng mua . Người ta cũng đang bắc giàn giáo và che chắn tượng đài giữa trung tâm Sài Gòn để di dời .
Lòng cứ buồn nghĩ, một ngày nào đó sẽ đến số phận chợ Bến Thành sẽ bị đập bỏ, người ta đập nát những phù điêu gắn trên cửa của bốn hướng chợ, những phù điêu mà các nghệ nhân trường Mỹ Nghệ Biên Hòa đã bỏ công gắn trên đó ... đập nát ... đập cho tuyệt chủng một dòng gốm đang tuyệt chủng !

Ôi ! những người hoài cổ là những người chậm tiến nhất xã hội ! họ cứ lê dép mòn hè phố để tiếc thời gian ! họ chẳng chịu vui nhìn về tương lai mà cứ đứng ở hiện tại nhìn về quá khứ .
Người hoài cổ sẽ phải trơ trọi đứng giữa Sài Gòn hôm nay hay sao ? cả tôi nữa ? biết là vật đổi sao dời . nhưng buồn thế sao ?

Thu Sài Gòn không trong veo, không nhẹ nhàng như thu của Lưu Trọng Lư ' không vàng và êm ả như tranh Le Vi Tan , nó xáo động lòng người , xáo động bước chân người qua đây , nó làm úa vàng thêm thu trong lòng người .

Một chiều cuối tuần, cuối thu, tản bộ dưới hàng cây thành phố, lá vẫn xanh, cây chưa khoe cành, cây Sài Gòn lá vẫn xanh nên người Sài Gòn cũng thờ ơ với mùa thu vậy .
Chân thong thả tản bộ vô định, tay điện thoại bấm số gọi bạn nói chuyện vu vơ, vu vơ nói ''Cuối thu rồi bạn ơi ! '' nói cho bớt đi những cô đơn, nói cho ấm lên những mùa tới .

Mưa chiều

Người đến từ hôm nay 20/08/2014
Date: 29/07/2014

Thành phố những cơn mưa chiều dai dẳng, mưa Sài Gòn là vậy , lòng người cũng ỉu xìu theo mưa , mưa là lúc dễ gần giá vẽ , khung lụa để gửi những gam màu tâm sự , mưa cũng để cho dòng suy nghĩ miên man ... hình như trong mưa giá vẽ cũng muốn nói thầm như thế ... như thể ngoài kia , ngoài trời mưa kia giữa trung tâm Sài Gòn người ta đang vội vã đốn bỏ những hàng cây cao vút , gốc rễ sần sùi nhiều năm tuổi , đổi những bóng mát tàn cây để láy một nhà ga sang trọng , lấy một tốc độ hiện đại hơn .

Giá vẽ không thầm nói , nhưng con người nói , nhiều người nói . Ngoài Hà Nội người ta vừa dùng mũi thuốc ngừng tim để rút linh hồn sát nhân Nguyễn Đức Nghĩa , cái án tử được cho là lành , là nhân đạo , là hợp thời nhất .Cái chết thì lành nhưng sự biết chắc sẽ chết như vậy mới thật dã man , Cái chết được báo trước , được chuẩn bị kỹ càng hẳn hoi có khi còn đáng sợ hơn bị bất ngờ tấn công , chặt đầu , chắt các ngón tay nhưng vẫn được kháng cự .Nhưng tâm trạng của người mẹ đón con , , nhận một cái xác con không hồn mới thật khủng khiếp ... sự hoang mang của kiếp người .
Xã hội muốn đổi Nghĩa máu lạnh để lấy ''Nghĩa'' tình người hơn ...

Những người thiết kế tuyến đường Metro , những công nhân hạ cây và nhiều công dân thành phố chắc chẳng có thời gian đếm vòng tuổi cây hay đo chiều cao của nó , chỉ biết là nó đứng đấy từ lâu lắm rồi , cũng chẳng cần biết những cây cổ thụ kia được hình thành từ mầm hạt và một nhà máy hoạt động cả chục , cả trăm năm để tổng hợp từ nắng gió để thành thân thành hình tán lá xanh kia .
Bài học sinh vật dạy ta khi đốt cháy thân và lá cây thì thu được nước và cacbon ,cacbon là tro bụi đấy ,,, là cát bụi của Trịnh ... là hư vô của tất cả muôn loài ...
Vậy hồn cây có không ? có đấy ! hồn cây tan biến trong thơ , trong nhạc , trong tranh của các họa sĩ , hồn cây có trong những mối tình , trong những cuộc hẹn hò , trong những cái nắm tay cùng dạo phố dưới hàng cây , hồn cây nhập vào hồn người một chiều buồn lang thang trên phố , hồn cây như lá me đả cài vào tóc ai niền nhung nhớ ...

Từ nay cây không còn đứng giữa thành phố để lao xao rì rào với gió , không còn tán che bóng cho hè phố nhiều kỷ niệm , đời cây đã bao mùa gieo hạt xuống hè phố nơi bao bước chân gót giày qua lại mong lưu lại nòi giống mà không biết có hạt nào nảy mầm thành cây kế tục ?

Cây không còn nữa , người thành phố như xa người bạn , xa người quen nào đó , cây chỉ còn trong hoài niệm , trong nỗi nhớ của ghế đá , của góc phố , của tà áo trắng nào đó , trong nỗi nhớ miên man của người xa xứ hay đọng lại trong mắt những người yêu nhau dưới tàn bóng mà cây là nhân chứng .

Nguyễn Công Trứ có để lại câu thơ
''Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo ''
Bây giờ hàn sĩ có dụng thuyết luân hồi không biết nên buồn hay nên vui khi cả người và cây cũng bị số phận đốn ngả ?

Con người đôi khi không thích sự đổi trác , càng không đồng tình với cái ác , cũng chẳng thích luật mắt đền mắt, răng đền răng, nhưng số phận thì không phải ai cũng cưỡng lại được , cũng như ngồi bên giá vẽ được hít mùi sơn ấm nồng trong căn phòng ấm áp giữa một thành phố năng động này mà vẫn thấy trống vắng , chẳng biết tại cái lạnh ẩm của mưa hay là những suy tư ?
Mà đây đâu hẳn là suy tư ! càng không phải là triết lý ! ... Hay là mông lung của chính cơn mưa chiều thành phố.

Thiên đường "Xạo hết chỗ nói !!!"

SƯU TẦM 20/09/2013
Date: 18/09/2013
By: SƯU TẦM
''Mình tìm được đoạn sau của câu chuyện '' bạn đồng nghiệp '' trên mạng xin gắn vào hầu các bạn.

.... Hắn cảm thấy hụt hẩng ... và cảm giác như lạc lõng giữa cuộc vui ăn uống ấy. Hắn trở về nhà, về làng nơi hắn đã từng sinh sống, hắn vùi đầu ngày đêm vào giá vẽ, suốt ngày chỉ có sơn và bố, cọ và vẽ, tranh treo đầy nhà, xếp đầy góc mà chẳng ai hiểu được lòng hắn, chẳng ai cảm thông với nỗi buồn của hắn, một ngày kia cơn bạo bệnh hắn đã trút linh hồn, với đời sống hiền lành của hắn, linh hồn vừa trút khỏi xác đã bay thẳng lên thiên đàng, ông thánh Phêro đã đứng sẵn ở cổng đón hắn.

Ở trên thiên đàng riết hắn cũng đâm buồn, chẳng có ai hiểu được lòng hắn, chẳng có linh hồn nào hiểu, đồng cảm, chia sẻ với hắn về những bức tranh hắn đã vẽ, hắn nghĩ ngợi lung, sao kiếp trần ta không ở gian, ở ác, không nịnh nọt, không bon chen du hí thế giới ... xem sao ? Hắn nghĩ kiếp trước đã không làm sao kiếp này ta không thử ? Hắn liền xin thánh Phêro cho hắn trở về trần thế chỉ một lần thôi, thánh Phêro đồng ý, và hắn được trở về trần, về làng hắn gặp ai hắn cũng nói dối là vì hắn là một họa sĩ nên được vào thẳng thiên đàng, ý hắn nói dối là để tìm các bạn đồng môn, cùng sở thích để tâm sự, chia sẻ thôi, thế mà ai cũng nghe, cũng tin hắn, người tốt lẫn người xấu, cả làng ai cũng sắm giá, cọ, mua sơn mua bố, mua cả máy photo, máy in ... cả làng trở thành họa sĩ ...

Rồi một trận dịch đau mắt đỏ tràn qua làng, làm vô số người chết, có rất nhiều họa sĩ trong làng cũng chết.

Ở âm phủ: có thông báo đúng 6 giờ sáng phải mang đồ nghề đến trước cổng thiên đàng để thi vẽ, mới tờ mờ sáng mà các linh hồn đã dậy chuẩn bị đồ nghề nào giá, cọ sơn mảu ào ào chen lấn đi về cổng thiên đàng để vẽ, vì đám đông linh hồn tranh nhau đi khi qua ngã ba, ngã tư chẳng xem bảng chỉ đường nên các linh hồn họa sĩ kéo nhau đến trước cổng mà mọi người cho là cổng thiên đàng dựng giá bày cọ, bày sơn, các loại máy in photo ... Từ trong cổng một người đàn ông từ trong cổng bước ra trông thật hút hồn với bộ râu tóc bạc trắng quăn xù bước đi thật oai vệ qua các hàng giá vẽ và các máy in, máy photo ... có người bảo đó là ông Phêro , người khác lại nói đó là ông Phòma sau đó mọi người nhất trí gọi là ông Phòma giữ cổng thiên đàng, nhưng điều đó không quan trọng, mọi người cứ dí mũi vào khung bố để vẽ, bỗng ông ta bước tới một họa sĩ không có sơn cọ, bố vẽ chỉ có búa, đục, đe và một tấm đồng đứng lại và hỏi tại sao mang mấy thứ này, họa sĩ đó trả lời là chuyên gò tranh đồng, ông Phòma bấm máy gọi đâu một hồi rồi cúp máy nói với họa sĩ gò đồng, gò thử cho ta một cái vại thật to.

Cuối chiều đã hết giờ để hoàn thành tác phẫm. Ông Phoma xem qua các hàng tranh, chẳng có bức nào làm ông vừa ý, ông đến chỗ những họa sĩ nổi tiếng trong làng, đứng trước một bức tranh phong cảnh thuộc độc một tông vàng dịu, họa sĩ nói thầm vào tai ông gì đó, còn ông Phòma bình thản hỏi .
- Tranh này vẽ bằng sơn gì sao nhìn như mầu đất vậy ?
Họa sĩ trả lời:
- Đúng là bằng đất , vừa là chất liệu mới , vừa tiết kiệm sơn
Ông Phòma hằn giọng:
- Chất liệu mới thì được chứ tiết kiệm sơn là không đúng à nha, Cả tác phẩm và nhà ngươi được vào thiên đàng.
Họa sĩ mừng quá, cầm tranh đứng vào một bên cổng.


Ông Phòma bước sang họa sĩ kế bên nhìn vào bức tranh vẽ chú gà trống đang gáy , ông tỏ vẻ thích thú bức tranh này, họa sĩ chỉ vào bức tranh giải thích:
- Đây là con gà trống biểu tượng của thánh Phêro, nó sẽ nhắc ngài để ngài cai quản thiên đàng tốt hơn.
Ông Phòma hất hàm bảo họa sĩ nhắc lại lời nói, họa sĩ hơi lúng túng nhắc lại lời vừa giải thích, vừa dứt lời ông ông vừa gật nhẹ đầu vừa nói.
- À ! Vậy hả ..? Họa sĩ nghển chân lên nói nhỏ vào tai ông gì đó. Mặt ông Phòma đỏ dần lên, ông nhìn thẳng vào mặt họa sĩ mà quát:
- Không cần ! Ta không cần gì hết ... lỗi đó không phải của ta, ở đây không cần ai nhắc nhở lỗi lầm của ai, mi đừng hòng bước vào thiên đường của ta. Họa sĩ lấm lét ôm bức tranh đứng nép qua một bên.
Ông ta bước qua bức tranh có khổ thật lớn mát lạnh mầu xanh dương, chú ý vào bức tranh, nét mặt ông như giãn ra, ông cười vang lên và nói, khiến mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ông, ông nói:
- Qủy ! quỷ dâm dật ! Ngay lúc đó họa sĩ nói nhanh vào tai ông. Ông gật đầu như vừa ý và nói:
- Cứ để đó cho ta ! Nhưng tác phẩm và cả nhà ngươi nữa không được vào thiên đường của ta, hãy làm một cái cũi để nhốt thú tính nó lại. Họa sĩ tiu nghỉu mang tranh đứng bên họa sĩ gà trống.
Ông bước nhanh sang chỗ họa sĩ có máy in, xem sơ qua xấp tranh mới in còn nồng mùi sơn in rồi vỗ trán như vừa phát hiện ra điều gì, nói nhanh với họa sĩ máy in:
- Nhà ngươi được vào thiên đường của ta ! Hãy mau mang máy in vào đó, có ích cho ta đó.

Ông nhìn qua bức kế đấy mới phác được mấy nét sơ sài, sơn, cọ đã khô queo còn họa sĩ đang ngồi hút thuốc nhìn trời, hát bâng quơ ...

Ngài Phêro thật tài ba

Thiên đường của ngài thật tuyệt vời

Tôi muốn ở mãi trong thiên đường của

... !!!

Ông Phòma bước tới và cất tiếng, khiến anh chàng họa sĩ đang mơ màng phải giựt mình
Ông nói:
- Nhà ngươi không phải xuống hỏa ngục, nhưng cũng không được vào hẳn thiên đường của ta, ngươi chỉ được đứng trước cổng thiên đường của ta mà thôi.

Ông đang trở về chỗ thì họa sĩ gò đồng níu ông lại để xem tác phẩm của mình, ông nhìn chiếc vại đồng thật, miệng loe như cái vạt và lạnh lùng nói.
- Ta không cần nhưng có nơi khác cần !!! Họa sĩ tái mặt đi, còn ông Phòma nhanh nhẹn đi về chỗ mình và bước lên bục.


Khi ông Phòma đứng trên bục và công việc mọi người đã kết thúc nên có thời gian quan sát khuôn mặt của ông ta kỹ hơn, bỗng nhiên trong đám đông trở nên xôn xao ồn ào, không đồng tình về người đàn ông này, có người nói đây chính là ông thánh Phêro, người thì nói đây không phải là thánh Phêro, một người đàn ông trong đám đã đứng tuổi khẳng định với mọi người đây không phải là ông thánh Phêro mà là một người nào khác, khuôn mặt thánh Phê rô phải nhân lành, nhẫn nhục và chịu đựng, chất phác như một người chài lưới chứ không như vầy ... Một người trong đám đông nói, đã là cổng thiên đàng thì chỉ là thánh Phêro chứ ai nữa !!!
Ngay lúc đó ông lên tiếng, đám đông liền im lặng lắng nghe. Ông nói:

- Mọi người đang đứng đây không phải là thiên đàng của thánh Phêro mà là cửa thiên đường của ta, do ta sáng lập, nó thuộc về phái satan và quỷ dữ, ta sáng lập và cai trị thiên đường này, ta xin tự giới thiệu ta tên Phòma và thiên đường của ta tên là "Xạo hết chỗ nói". Bỗng đám đông trở nên hỗn loạn, sợ hãi.

Ông Phòma nói tiếp:

- Ở lãnh địa của ta thiên đàng cũng như hỏa ngục, sướng khổ như nhau, làm gì có công lý, hồn ai lấy giữ, chẳng có học hành thi cử, mà chỉ mua bán bằng cấp thôi, làm gì có nghệ thuật chân chính, chỉ có giả tạo thôi ... nhưng các người đã tự tìm đến đây, thì sẽ thuộc về ta, dưới sự cai trị của ta.

Đây là thiên đường nên ở dương gian có gì thì trên đây có thứ ấy.
Đêm nay là đêm trung thu các ngươi cũng sẽ được đốt đèn phá cỗ, không phải đốt đèn bằng đèn cầy hay pin con ó mà bằng năng lượng hạt nhân đang thử nghiệm, trong kho đã có cả tấn bánh trung thu được làm bằng nguyên liệu mói hết đát 2 năm nhưng còn thơm lắm, ăn được !
Các người sẽ được phá cỗ với món heo tai xanh đã đông lạnh sát trùng rồi, uống với rượu chất lượng cao nguyên liệu được nhập từ chợ KB, những ai có thói quen phá cỗ bằng món cầy tơ thì không thể được, gay lắm, cẩu tặc đi còn không mang xác về được nói chi mang cầy về .... Trời đã sắp tối rồi, người nào viêc nấy, trở về chỗ ta đã định.

Đám đông linh hồn mệt mỏi đi theo đám quỷ đã chờ sẵn ở đấy dẫn đi, kéo sau là cái vại đồng to lù lù, những người đi sau ngoái nhìn lại trong cánh cổng thiên dường Xạo hết chỗ nói. Lão Phòma, lão đang ngồi trên chiếc ghế bành quát lớn:

- Họa sĩ tranh đất đâu ? Rót rượu Minh Mạng cho ta coi !

- Họa sĩ máy in đâu ? Mau in thật nhiều tiền cho ta !

- Lính đâu ? Đưa cô gái có tên "Cô hàng xóm" ra đây cho ta. Mau cạo đất trên bức tranh nướng trui cá lóc ngay.

- Còn tên đứng trước cổng kia ! Hãy cất tiếng hát ca ngợi thiên đường của Phòma này đi ! Hát to lên.


Còn HẮN, hắn đứng vịm lancan thiên đàng nhìn qua, trong ánh chiều muộn, hắn nhìn thấy hết, thấy hết những khuôn mặt thân quen trong làng, từng nguời một bị quỷ xiên rồi nhúng vào vạt dầu để làm dấu, đầu tiên là tay họa sĩ gò đồng .... nhưng hắn đâu cứu được ai , hắn cứ đứng dựa lancan đấm ngực thùng thùng tự trách mình, từ tòa thánh Phê rô nghe thấy tưởng là trống chầu tìm đến. Hắn xin thánh Phê rô cho hắn được vào lửa luyện tôi hay vào hỏa ngục để phạt tội mình, nhưng thánh Phê rô nghiêm giọng nói với hắn:

- Con không phải đi đâu để phạt tội mình, nhưng cứ phải đứng ở đây để nhìn những lỗi mình đã gây ra.

Hắn cảm thấy hụt hẫng, lẻ loi không một bóng người bạn thân, bạn thật, bạn giả nào cả, hắn vò đầu bứt tóc gào to:

- Trời ơi ! Trần gian đã buồn khổ rồi, mà Thiên đàng còn khổ hơn, thiên đàng "Xạo hết chỗ nói" còn khổ hơn nữa ... Trời ơi !!!


(Hết)


Ngắm tranh phong cảnh đẹp ....

HOA NẮNG 07/08/2013
Date: 02/08/2013


Ngẫu hứng...


Ru Anh....

Ngủ ngon anh nhé trong lời ru êm...
Tiếng hát của em, giấc mơ của nắng
Cổng xưa,phố nhỏ,nắng vui bước theo
Ô kìa, giàn mướp có chú bướm vàng
Cửa sổ nhà bên,chậu hoa mới nở...
Rung rinh gọi nắng hoa tỏa hương bay
Bâng khuâng bến cũ,thuyền trôi lững lờ...
Hàng cây bóng tỏa ...
....ru cỏ hoa say................................


Re: Ngắm tranh phong cảnh đẹp ....

Ph Hoa 02/06/2014
Bài thơ này của tác giả nào hay quá, anh Văn hay anh Hoán vậy?

Chữ ký của Họa sĩ

By: Ph. Hoán 07/06/2013
Date: 02/06/2013



Câu chuyện này xảy ra sau 100 năm nữa!

Một trong những người con cháu của nhà sưu tầm tranh nổi tiếng Châu âu tìm thấy trong kho nhà mình có những bức tranh của Châu á, nhìn những bức đó, ông cứ tự hỏi sao mình lại sở hữu những tác phẩm này từ Phương đông. Từ đấy gợi lên trong tâm trí về một mảng nghệ thuật xa xôi nào đó.
Có một bức tranh ông thấy thật đẹp, trong con mắt nhà nghề nét cọ phóng khoáng, cứ mỗi lần ông nhìn cho những cảm giác khác nhau, lôi cuốn ... Ông tìm xem tên tác giả, nhưng không thấy, lật mặt sau cũng không có. Theo ông biết, thông thường các họa sĩ Châu á còn hay thêm một ký hiệu hình tượng như cái mộc cho biết tác giả là ai...

Ông đã nhờ các chuyên gia "Scan" chụp lại bằng tia Laser, cách thức những mảng cọ màu sắc trong tranh đúng là bậc thầy, để may ra tìm một nguồn thông tin nào đó về tác giả, nhưng cũng không tìm thấy chữ ký hay ký hiệu gì về người Họa sĩ này !

Ông thoáng một chút chau mày, hơi thất vọng, ngẫm nghĩ ... Làm sao tìm được tác giả ở nơi xa xôi phương đông này đây ? Chắc là ông sẽ cất công một chuyến về vùng đất xa xôi này!

Rồi ông lại nhờ các chuyên gia am hiểu về nghệ thuật Châu á tìm giúp ông qua mạng Internet, có một thông tin quý giá là tại trang Tranh tượng - Gallery MTDN, có một số tranh có tác giả có nét cọ phong cách giống như vậy, ông vui lắm, nhưng cứ đặt câu hỏi tại sao người Họa sĩ này khi vẽ không ký tên của mình vào tranh, hay đây là tranh chép từ một nguồn khác!

Một tia sáng vừa chợt lóe lên rồi thất vọng, ông thở dài ... không hiểu nổi. Ông cứ hỏi lại còn nguồn thông tin nào liên kết không, chuyên gia về thông tin trên Internet cho biết còn trang MTDN, ông nhờ phiên dịch đọc ngấu nghiến may ra tìm được lời giải đáp.

Bất chợt có một đoạn tin ngắn trong một thời gian từ năm 2010 - 2012, ông đọc thấy ở nhóm này, các họa sĩ thường hay "phê - bình luận", nên có khi có Họa sĩ vì ngại không (dám) ký tên, hoặc có khi tranh vẽ rồi, thời gian sau chữ ký mới ở trên, vì khi quét qua máy Laser màu của chữ ký và màu của tranh không ăn quyện với nhau. Tuy vậy ông cũng mừng vì đã tìm ra một chút về tông tích của người Họa sĩ này.

Vào một dịp, ông tìm đến nhà người Họa sĩ, cháu của người Họa sĩ chỉ cho những bức tranh còn treo trên tường, có nhiều bức thật tuyệt đầy đủ cả chữ ký. Ông quyết định hỏi mua thêm những bức khác cho phần sưu tập tranh Châu á nổi tiếng của ông.

Trong một cuộc đấu giá ông so sánh bức họa có một không hai của ông và bức tranh ông mới sưu tập được tại Việt nam với chữ ký của Họa sĩ, cả hai đều cùng phong cách.

Tranh thật tuyệt đẹp, nhưng tiếc rằng giá chỉ còn 1/3, vì thiếu chữ ký.

Bức tranh thiếu chữ ký của tác giả, tự mỗi Họa sĩ sẽ tự có câu trả lời cho vài trăm năm sau!
Nhớ nhé!

Tặng các ACE trang MTDN
TB: Ý nghĩ đến, nhưng vì thiếu thời gian chỉ viết được bằng ấy thôi, hihi ...


Ve tháng 5

Người đến từ hôm nay 25/05/2013
Date: 22/05/2013

Ở cái thành phố ồn ào, xô bồ , đầy bon chen này vẫn chừa chỗ cho con sông uốn mình để tải những tâm tình của người thành phố, người ta cũng biết đặt những quán nước dưới bóng rạng dừa và hàng cây dầu ven sông ... không gian cho những ai muốn tránh sư ồn ào.

Tháng 5 trời oi bức quá, hơi nước từ sông không làm dịu được cái nóng, phượng ở sân trường cùng nở như làm tăng nhiệt thêm cho cái nóng ... mùa hè đã đến !

Từng giọt cafe chẳng ăn nhịp gì với vô số tiếng ve rỉ rã rồi lại rộn ràng trên nhửng cành cao kia, nó kêu, kêu hoài kêu mãi như vô định ...

Tôi không biết chu trình của loài ve, nhưng người ta nói chu trình của loài ve này dài lắm mà kiếp làm ve chỉ có mấy ngày thôi, ngắn ngủi lắm ... nên chúng kêu, chúng than, hay là tiếng gọi tình nữa chẳng biết ... cứ ra rả như thả hết lòng mình, như vội vàng cho sự ngắn ngủi của kiếp mình ... để ít ngày nữa người ta chỉ thấy xác ve, những xác ve không hồn dính đầy trên cành và rơi vãi dưới gốc cây ... một kiếp ve !

Từ trên tầng cao âm thanh đó, theo những cơn gió những cánh hoa dầu lìa cành cứ xoay tít, xoáy trong không gian như khoan suốt vào quá khứ, xâu những khoảng khắc, những mùa hè thành chuỗi ... đánh thức tiềm thức của những mùa hè ... có một mùa hè xa lắm mùa hè đỏ lửa năm 72, tuổi thơ lo theo nỗi lo sợ trên khuân mặt người lớn. Có mùa hè măm 75 chứng kiến ở tuổi mới lớn, bao mất mát, bao vui buồn ... chia tay bao bạn bè cùng lứa mà chưa bao giờ gặp lại ... những bỡ ngỡ trong dịp sinh hoạt hé để làm quen với chế độ mới, người ta dạy cho làm quen những bài hát mới. bài quốc ca, bài giải phóng ca, bài Tiếng đàn ta lư, bài Em là chú giải phóng quân ... đầu bài hát với câu '' Đêm qua giải phóng quân vượt sông ...''
Mới đó mà đã 38 năm rồi.

Có mùa hè, những mùa hè gần nhất. Ngày tổng kết, liên hoan cuối năm luôn có món gỏi rau cải trộn rắc đậu phộng và xanh đậm mùi rau cần tây ... của mấy gì nhà bếp.

Đêm cuối niên học chúng đốt lửa trại bằng củi lò gốm ... bằng dạt giường ... hò la như giặc ... lột trần như nhộng từng tên khiêng từ phòng ra đống lửa ... ''dã man quá ... mùa hè đã xa hai mấy gần ba chục năm rồi ....

Tiếng ve rì rả rồi rộ lên tới cao tần âm thanh lấn át mọi thứ âm thanh, mọi lời đối thoại, chỉ để cho người ngồi đây duy nhất sự suy nghĩ ....
Tháng 5 có một ngày của mẹ ở ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5. Bây giờ là những ngày cuối tháng rồi ... một sự vô tình ...

Tiếng ve như nhắc nhở người đã trưởng thành, nhiều va chạm trong cuộc sống, lòng đã chín, thành danh hay thất bại ... hãy nhớ về công sinh thành, ơn dưỡng dục, nhớ về bầu sữa căng tròn năm xưa từng cho ta bú mớm, những lời ru ấm áp rót vào lòng ta tình mẹ, tình người, tình quê hương ... khi ta nằm gọn trong lòng mẹ ... khi ta phóng uế trên người của mẹ ...

Bây giờ bầu vú đã teo tóp, khuôn mặt nhiều nét chân chim, khắc khổ vẫn dõi theo bước chân ta mà chẳng màng đến đền đáp

Còn ta ! sao vẫn sống nhẹ nhàng quá, vẫn trao những ân tình, trao những đóa hoa cho người tình, tặng những đóa hoa thật đẹp cho nghười vợ, người chồng ... Nhưng sao những gì như vậy dành cho mẹ hiếm hoi quá, sao suốt một thời trai trẻ bây giờ ta mới ngộ ra, sao để đến bây giờ mái tóc đã điểm sương ta mới nhận ra ....

Tiếng ve như tiếng thúc dục, về, đến với mẹ ngay, ôm chặt lấy mẹ ... đừng nói câu sáo mòn ''Mẹ ơi ! Mẹ là tất cả của con '' mà chỉ im lặng nắn đôi vai sương nắng để độ sức khỏe của mẹ, áp má của mình vào má mẹ để để thấy được tình mẫu tữ không bao giờ cạn ... và giật mình để biết, để nghĩ về xác ve kia ...

Ngày hôm nay ! bây giờ ! Hãy chọn những bông hoa đơn sơ mà tươi nhất trao tận tay mẹ. Hãy biết, những đóa hoa trao mẹ hôm nay không bao giờ sớm, nhưng đóa hoa đặt trên mộ mẹ thì luôn luôn muộn màng.

Sao không là gió?

Thấy hay chép lại 18/02/2013


Em:
Có phải là...
Vô dụng lắm phải không anh...

Em:
Vẽ cầu vồng...
Em quên tô mưa, vẽ nắng...

Em:
Vẽ hạnh phúc...
Bút em cầm, em lại vẽ thiếu anh...

Em chẳng phải họa sĩ để có thể tô vẽ những đường vẽ tròn trịa, em chẳng phải người hội họa để có thể vẽ cho anh một bức chân dung. Nét vẽ em nguệch ngoạch không đầu mà cũng chẳng cuối, đơn giản vì em không biết phải bắt đầu từ đâu cũng không biết phải kết thúc như thế nào. Em cứ vẽ trong mơ hồ, vẽ trong men nhớ và trong chếnh choáng của hương say.

Đã có lúc, em định vẽ một nụ cười trên gương mặt còn chưa được chỉn chu, nhưng run tay nên nụ cười ấy bỗng trở nên sao quá gượng gạo. Rồi em xóa đi, em vẽ lại, nhưng ngòi bút em không hiểu sao cứ theo đường nét cũ. Chật vật một hồi, em cũng vẽ được nụ cười hoàn thiện, nhưng những nét vẽ kia thì không sao tẩy hết, nó vẫn in, nó vẫn hằn trên trang vẽ như nhạo cười em thật quá bất tài.

Em vò nát bản vẽ của mình, em thẳng tay quăng chúng qua khung cửa, rồi một người bạn của em đi qua, nó nhặt lên tờ giấy, nó vuốt thẳng tờ giấy, nó lấy ra một cây bút và bắt đầu vẽ lại bản vẽ của em. Nó bảo em không biết vẽ thì cứ tập, nhưng đừng bao giờ hủy hoại những gì mình đã làm ra, phải trân trọng nó, phải nhìn nhận nó như một bài học để ngày sau không phạm phải nữa. Rồi nó đưa bức tranh nó mới vẽ cho em, bức tranh ấy chưa hoàn thiện, nó vẫn còn thiếu một nụ cười. Em phải vẽ gì vào đó đây? Vẽ nụ cười hay vẽ giọt đắng ở trên môi? Cuối cùng, em để trống nét vẽ ấy, có thể, em sẽ vẽ tiếp vào một ngày không xa...
Không vẽ nữa, em quay sang viết thơ, viết những dòng thơ ngập ngừng trong vô thức. Em không biết làm thơ có vần, cũng nào hay những niêm luật của thơ xưa, em chỉ viết như viết những bất chợt - bất chợt buồn, bất chợt thấy cô đơn:

Ngồi nhớ anh, em viết vội dòng thơ

Nhưng ngẩn ngơ nên chưa thành câu chữ

Em chần chừ "ừ thì làm sao chứ?"

Anh cũng nào thấu được nỗi nhớ em

Em chỉ viết được có thế thôi, em đâu phải thi sĩ đâu anh, em cái gì cũng không biết, mà có biết thì cũng chỉ biết một nửa. Thế giới em tồn tại nó nhỏ bé quá mà, sao em có thể đi hết được những thú vui bên ngoài ranh giới ấy. Em lúc nào cũng chỉ biết lang thang trong vô vàn cảm xúc hỗn loạn, em lúc nào cũng chỉ biết cười trừ cho qua nốt ngày hôm nay. Em thực tâm cũng đâu muốn những người yêu thương em vì em mà phiền muộn, nhưng cuộc sống em nó thế thì em biết làm sao mà lo cho hết được. Giá như mọi người bớt yêu thương em đi, giá như mọi người bớt lo lắng cho em đi, thì em đã có cớ mà oán trách ông trời sao thật quá bất công. Đằng này, ai cũng quan tâm em, ai cũng dành cho em những ân cần rất mực, có điều, em phải làm sao để phân biệt được thật giả đây?
Người ta vẫn luôn nói con người bây giờ xấu tốt lẫn lộn, huống chi cái xấu và cái tốt chỉ cách nhau trong gang tấc và trong một con người bao giờ cũng tồn tại cả hai. Nhưng không hiểu sao em vẫn thích được nghe những lời thật lòng, có nói thật em mới biết đường mà tránh, chứ cứ nai tơ hoài rồi dùng sừng đâm thì em thoát sao được? Ừ, có cảm giác nào đau đớn bằng khi nghe người ta nói dối mà mình đã biết được sự thật không? À mà thôi, người ta đã cất công nói dối thì sao không lắng tainghe rồi giả bộ tin?
Thật ra, những lúc thế này em mới thấy cuộc sống luôn không ngửng thay đổi, và dường như để thích ứng với sự thay đổi ấy con người cũng luôn luôn đổi thay. Biết sao được, người ta vẫn thích hơn những điều mới mẻ mà, đôi khi sống trong hạnh phúc mới, niềm vui mới, người ta sẽ được hoàn thiện hơn, sẽ được thoải mái hơn. Chắc chỉ có em là đi thụt lùi giữa những bất biến ấy, em vẫn giữ cho mình thói quen xưa, kí ức xưa và cả một con người đã xưa như cổ tích mà đôi khi nhìn vào gương em còn thấy phát chán.
Thôi thì cũng kệ, biết làm sao mà lo cho hết được, người ta có quyền thay những thứ cũ bằng một cái gì đó mới mẻ hơn mà, cuộc sống này vốn dĩ đã vậy, dòng đời này vốn dĩ đã vậy. Rồi một lúc nào đó người ta cũng sẽ nhận ra có những điều không thể thay thế thôi. Vậy thì em phải sống thôi, tồn tại mãi như thế cũng chán rồi. Phải sống tốt để người ta còn thấy tiếc nuối nữa chứ, cố níu kéo cũng chỉ càng khiến người ta thêm trốn chạy thôi, sao không là gió để khỏi ràng buộc những yêu thương đang thoảng?

Re: Sao không là gió?

NgT.K2 20/02/2013
Cám ơn bạn đã có công chép lại, nội dung hay lắm, mang nhiều tâm tư chung.
Nếu ta không thể viết để giãi bày nỗi lòng thì đây cũng là một cách nhẹ nhàng hơn.
Cám ơn ly nước mát trong mùa khô nắng hạn
Đã len lỏi vào đời làm lắng đọng tâm hồn ta

Re: Re: Sao không là gió?

Một người bạn. 20/02/2013
Ủy mị thế.!!!!
Bác Ngốc lại ướt át chèm nhẹp nữa rồi..hì.hì..hì..

Ta bơi ngược dòng đời.
Mặt đối mặt nhìn người.
Hồn lang thang hấp hối.
Tim sầu chếch choáng say.

Lòng người sao khó đoán.
Tình người sao khó đo.
Ngôi nhà ko cửa cháy.
Lặn ngụp giữa biển sâu..

Thảng thốt !!
Ta giả say.
Vội trốn chạy.

Sao ko là gió để khỏi ràng buộc những yêu thương đang thoảng?????

Re: Re: Re: Sao không là gió?

Gởi...gió 21/02/2013
có một câu hát rất ý nghĩa :

"Ngàn năm, mây vẫn bay.. và chim vẫn hót..
Mặt trời vẫn lên.. và chiều tà vẫn rơi..
thì tình yêu vẫn xanh... như lộc hé trên cành"

Tình cảm bạn bè hay vướng chút tình yêu trong sự đồng cảm, cũng chỉ là để vổ về tâm hồn đã khô cạn vì cuộc sống...miễn không "vi phạm pháp luật" là được... Xách dép chạy thôi...

Re: Sao không là gió?

Người thưởng thức 21/02/2013
Bài viết nhẹ nhàng như ly rượu lạt...uống nhiều cũng Say ! chếnh choáng quá...,Bỗng nhiên câu hát nghêu ngao thủa nào lại tràn về với muôn ngàn nỗi niềm...
...Như là cuộc sống...như là Tình yêu...là nỗi nhớ...nỗi nhớ...suốt đời...suốt đời............ mang theo.........
Cám ơn người bạn đã gủi bài viết dễ thương này ...đẹp như bức tranh Lời tỏ tình mùa xuân ...tới những tâm hồn ...phiêu lãng...tử.

Ngôi nhà không có cửa

NgT.K2 19/12/2012
Hắn ngồi thừ trong một góc quán nhậu thẫn thờ nhìn dòng người hối hả ngược xuôi ngoài đường mà đầu óc ngổn ngang những suy nghĩ về một người con gái.Điếu thuốc trên tay hắn cháy chỉ còn một cái tàn dài ngoằn mà hắn cũng thờ ơ không thèm hút. Hút sao nổi, miệng hắn đắng nghét, cổ họng vẫn còn lợm mùi chua chua sau một trận nhậu say bí tỉ cho quên đời đêm hôm qua. Hắn uống rượu, cứ uống và uống, giá như rượu có thể làm hắn say quên hết tất cả ngôi nhà và những người trong ngôi nhà đó, nếu như rượu có thể xóa sạch hình ảnh của nàng thì hắn sẽ tắm trong đó cho đến lúc không còn vết tích gì của nàng nữa.
dưới chân hắn đầy những tàn thuốc dù không hút nhưng hắn vẫn cứ đốt. Hắn chỉ muốn đốt cháy hết bao nhiêu kỷ niệm trong đầu hắn về một ngôi nhà, về người con gái mà hắn quen gần một năm nay. Vậy mà càng uống hắn càng tỉnh càng nhớ nàng tha thiết, hắn đã yêu nàng nhiều hơn hắn nghĩ.
…………………………………………….
Hắn tên Hoàng, bạn bè hay gọi hắn là Hoàng “Mát” Hoàng “điên”. Cuộc sống của hắn chẳng được “đàng hoàng” mà cũng chẳng có một tí gì gọi là “huy hoàng” như cái tên Hoàng của cha mẹ hắn đặt. Điên ư ? lúc nghèo khó hắn đã từng điên cuồng vùng vẫy làm mọi nghề từ đạp xe ba gác, phụ hồ, bán bánh mì, và cả một đống nghề chẳng biết gọi tên gì ngoài hai chữ “chụp giật” miễn sao kiếm được đồng tiền để tồn tại lay lất. Còn hiện tại ? hắn chỉ “giả điên”……
Cuộc sống lang thang của hắn cuối cùng cũng được một gia đình nghệ thuật dang tay đón chào. Bản thân hắn chẳng tài hoa nghệ sĩ gì ngoài một mớ kiến thức lộn xộn hỗn tạp về những năm tháng học chẳng ra học mà chơi cũng không ra chơi ở một trường mỹ thuật. Ngày tốt nghiệp, hắn cười khảy vào cái bảng đen, chỉ thẳng tay vào phòng giáo vụ hắn trợn mắt rồi bĩu môi quay đi, hắn cười cả những cái thau nhôm ọp ẹp tiếp vào bụng hắn những thứ hổ lốn như cháo heo trong suốt những tháng ngày theo học.
Kể ra thì hắn cũng giỏi đó chứ ! năm đầu tiên theo học trường mỹ thuật gia đình hắn còn cho hắn tiền chi tiêu lặt vặt, nhưng từ năm thứ hai hắn bắt đầu “đói”. Cái “đói” của hắn không ngặt nghèo thiếu ăn như Chị Dậu. Hắn “đói” tình cảm gia đình, trong túi hắn chẳng lúc nào có tiền hắn cũng mặc kệ nhưng mỗi đêm hắn lại vật vã khi nghĩ về gia đình của hắn. Gia đình của hắn như đã lãng quên rằng hiện có một thành viên với cái tên Hoàng mang nhiều điều mơ ước đang theo học tại một trường mỹ thuật tỉnh lẻ. Hình như chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho hắn dở dở ương ương điên rồ rồ suốt những năm học còn lại.
Tốt nghiệp rồi hắn vác một cái túi trên vai vội vã bước nhanh ra khỏi cổng trường mà trong đầu cũng chẳng biết về nhà hay đi đâu. Về nhà thì có ai còn nhớ đến cái thằng Hoàng mắt ti hí ngày nào còn chạy lăng quăng om xòm phá giấc ngủ trưa của mọi người. Không về nhà thì đi đâu ? thôi kệ, cứ đi đã rồi tới đâu thì tới. Một mình hắn thui thủi bước đi trên những thanh tà vẹt của đường tàu chạy dài hun hút nhòa vào cái nóng hầm hập của buổi trưa hè…….
…………………………………..
Thật tình cờ, hắn gặp lại thằng bạn học chung trường mỹ thuật sau gần ba mươi năm. Hỏi thăm qua gia cảnh, thằng bạn hắn buông một câu chắc nịch : - Về nhà tao rồi tao tính tiếp cho mày. Và thế là hắn đã đặt cái bước chân mệt mỏi của hắn vào ngôi nhà “nghệ thuật” bằng một câu giới thiệu vỏn vẹn hai chữ với gia đình : _ Bạn tôi..!
Có lẽ trong cuộc đời lang bạt của hắn, những ngày trong ngôi nhà này đã làm cho hắn có sức sống hơn khi xung quanh hắn là một biển trời mênh mông nghệ thuật. Người Cha cũng là chủ ngôi nhà là một Nhạc sĩ kiêm Ca sĩ, những người còn lại thành viên trong gia đình thì người là Nhạc công (bộ Gõ) người là nhà thơ, người thì viết văn, người thì vẽ tranh. Thằng bạn hắn ngày xưa học mỹ thuật chung đã bỏ cọ màu theo con đường kinh doanh và cũng đã ra vẻ thành đạt !! Riêng hắn chỉ để ý đến cô gái đa tài trong ngôi nhà mà hắn sống và được nhận như là một…thành viên gia đình “bất đắc dĩ”.
Cô gái có lẽ nhỏ tuổi hơn hắn nhiều lắm, với vẻ ngoài phảng phất một chút u ám liêu trai nên khi hắn tiếp xúc qua nhiều lần dù có lúc cởi mở rộn tiếng cười nhưng hắn vẫn chẳng hiểu một tí gì về “người ấy”. Cuộc sống trong ngôi nhà đầy màu sắc hòa lẫn những dòng văn đu đưa theo tiếng nhạc đã làm hắn phấn chấn hẳn lên và hắn cũng muốn tỏ vẻ ta đây lôi cọ lôi màu ra vẽ rồi cũng lôi bút lôi giấy ra làm thơ viết văn…!!!!
Những thành viên trong gia đình cũng trầm trồ thán phục về cái năng khiếu “bút cọ song toàn” của hắn. Nhưng cô gái thì vẫn thờ ơ những gì mà trong thâm tâm hắn muốn làm để vui lòng người đẹp. Trong cuộc đời lang bạt, hẳn đã nếm đủ thứ mà người ta hay ví là “lúc thì xuống chó, khi thì lên voi”. Hắn là một thằng làm công “trung thành” cho một Cty tư nhân nên cũng được chiếu cố cất nhắc chút đỉnh có được đồng ra đồng vô. Trong những lúc giao tiếp khách hàng, hắn đã gặp đủ mọi loại người, chưa kể những lúc nhậu với những cô da trắng, tóc dài, môi son, má phấn, miệng ngọt ngào "sếp à" hay "anh yêu"…Người ta nói “mật ngọt chết ruồi” nhưng hắn thừa biết đó chỉ là những ngón nghề kiếm sống của những cô gái nên gã cũng coi thường không dây dưa vướng víu. Nhưng ! …..người ta cũng có nói rằng “con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”, rồi hắn cũng đã yêu, đã thèm khát được nghe những giọng ngọt ngào, thèm một tiếng gọi thân thương….Anh…” !!”..Hắn đã yêu cái nét buồn phảng phất liêu trai của cô gái từ lúc nào, hắn yêu những nét cọ mảng màu, hắn yêu những áng văn tưởng như trên đời này những thứ còn lại là tầm thường là hèn mọn. Rồi một ngày nọ cô gái cũng mở miệng tán dương hắn rằng : - Tranh anh vẽ giống lắm. đẹp lắm. Hay là : - Văn anh viết hay ghê luôn….
Hắn say thật rồi, uống bao nhiêu bia rượu hắn vẫn không say mà sao chỉ một tí men tình tán nhuyễn bay trong gió đã làm hắn lâng lâng suốt mấy tháng liền. Có làm gì thì làm, hết giờ là hắn vù ngay về nhà xem nhan sắc cô gái hôm nay ra sao, hắn mê mẩn đến nỗi đi làm hắn chiếm luôn cái máy tính của kho hàng để “chat” với nàng cho đỡ nhớ thương.
Cuộc sống của hắn sẽ đẹp mãi như thế nếu như không có sự cố ấy. Trong một vài lần về nhà, hắn có gặp một số người lạ mặt trong nhà huênh hoang kiêu căng lớn tiếng mạt sát chê bai những tác phẩm của nàng là lũ ngốc viết linh tinh, tranh vẽ là một thứ hổ lốn của những kẻ tập tọe….
Hắn rất ngạc nhiên trước thái độ của cô nàng và gia đình xem chuyện này là bình thường. Hắn gặng hỏi mãi thì hiểu ra rằng : Từ xưa tới giờ nó vậy, nhà em không có cửa ai muốn vào mà chẳng được ! ._ Nhưng sao mọi người…??
_Anh hãy nhìn ra xã hội, anh sẽ biết anh là ai còn trong ngôi nhà này thì….Nàng bỏ lửng câu nói và quay lưng bước đi.
Những lần sau đó về nhà, dù tiếng nhạc vẫn du dương, những áng văn vẫn tuôn chảy nhưng hắn có cảm giác gì đó là lạ…khó tả . Trong đầu hắn lúc nào cũng văng vẳng câu nói của những người lạ mặt …”….một mớ hổ lốn….” Nàng vẫn như một cái máy vô tri không cảm xúc trước những lời chê bai, ánh mắt nàng vẫn lạnh lùng lẫn kiêu sa của một nhà nghệ thuật đa tài……Phải rồi ! những người trong ngôi nhà này đã sống theo nhịp của lời khen tặng lẫn nhau quen rồi nên những áng văn nốt nhạc hòa lẫn vào những mảng màu lúc nào cũng tươi vui, nhưng khi nhận một lời xúc phạm thì tiếng nhạc kia sao nghe u buồn lạc lõng với bộ gõ, những dòng văn vẫn tuôn chảy nhưng đầy ý lụy bi xen lẫn những nét cọ hời hợt chóng vánh như muốn che đậy sự cam chịu nhẫn nhục.
Hắn đã âm thầm xây một ngôi nhà mới và ngỏ lời mời nàng về cùng chung sống nhưng nàng nhìn hắn vẫn bằng ánh mắt lạnh lung như mọi ngày và thì thầm nói:
-Em sẽ sang nhà anh nhưng chỉ sang chơi cho đỡ buồn thôi, còn ngôi nhà này của gia đình em có lúc sóng dậy biển gầm đấy ! Nhưng đây là tâm huyết của gia đình em, vì muốn thật nhiều người biết và đến thăm nên từ lúc ban đầu không làm cửa. Mọi người trong hay ngoài đều cũng như nhau cả thôi anh ạ, ngay cả em hoặc anh cũng thế chúng ta hãy xem mình là một người chủ nhà dễ tính hoặc hãy xem mình là một người khách khó tính trong ngôi nhà nghệ thuật này. Một người chủ nhà dễ tính vui vẻ bỏ qua những lời chê bai đố kỵ của những người khách khó tính hoặc ngược lại sẽ mang đến cho cuộc sống gia đình em thêm nhiều thi vị gắn bó nhau hơn. Em hiểu anh rất thương em mà xây ngôi nhà mới nhưng anh đã xây với lòng đố kỵ và sự kiêu hãnh đầy ảo tưởng trước những lời khen của mọi người trong ngôi nhà này. Chúng ta nên dừng ở đây,đáng lẽ anh sẽ sống với em như một thành viên chính thức của ngôi nhà này nhưng anh đã quá kiêu hãnh tự cao đã biến anh trở thành người khách phương xa như ngày anh vừa bước chân đến đây. Anh và em có cùng sở thích nhưng lại khác nhau về cách sống, anh có tài hoa đến đâu mà lòng còn nặng đố kỵ hận thù thì anh sẽ nổi tiếng cùng sự cô độc trong tâm hồn. Tất cả sẽ tan rã trở thành hư vô cát bụi thôi anh ạ.
…………………………
Hóa ra tất cả chỉ là ảo tưởng, hắn đã trả giá cho sự ngọt ngào mà hắn đã lầm tưởng . Hắn giận dữ, hắn điên cuồng khi không đạt được mục đích. Hắn giận dỗi bỏ đi không chào cả thằng bạn đã giang tay với hắn và ném cho nàng một ánh mắt buồn bã của một kẻ thất bại. Suốt mấy tuần , không một tiếng cười hắn tự giam mình trong căn nhà mới mà hắn tưởng sẽ là mái ấm hạnh phúc của hắn sau này. Một mình trong không gian vắng lặng hắn ủ rũ không thiết làm một việc gì, công việc của hắn nhiều lắm chứ nhưng lúc này hắn chẳng muốn động tay. Vẽ chân dung nàng ? hắn quay sang nhìn đống bố cọ và màu vẽ trong góc nhà trong giây lát, bất chợt hắn đứng dậy bước đến gần chỉ thẳng tay vào và phá lên cười. Hắn cười mãi như chưa bao giờ được cười, hắn chạy quanh ngôi nhà lần lượt chỉ tay vào từng món đồ rồi phá ra cười
-Thằng Hoàng đó mà…..ĐIÊN !.....Hàng xóm chỉ khẽ nhìn qua cửa sổ và nói với nhau.
1 | 2 | 3 | 4 | 5 >>

New comment