Thân chào các anh chị em cựu Mỹ thuật ĐN

Do nhu cầu của ACE ngày càng lớn, trang chính có thể không chứa hết, trang MTĐN tạo thêm trang "Văn chương MT" để các ACE thích về văn chương thơ phú, hồi ký, truyện kể ...

Mặt khác, để lưu lại các bài viết, lâu lâu ta có thể xem lại ...

Mong các tác giả gửi các bài viết, để trang Văn Chương MT thêm phong phú.

Date: 29/05/2012

By: TL

Subject: MỘT CHUYẾN DÃ NGOẠI

MỘT CHUYẾN DÃ NGOẠI

Đi chơi,
Được trốn nhà, trốn những trách nhiệm thường nhật, quẳng hết những lo toan mưu sinh với những công việc dở dang, tạm gác những cuộc hẹn hò í ới của đối tác hoặc những cô em xinh đẹp trẻ trung đeo bám để được đi chơi, thì thật thú vị …ai mà chẳng thích. Sự thích thú được nhân lên vì chuyến đi được gặp gỡ thầy cô thương quý, được giao lưu bạn bè, trong đám bạn ấy có nhiều người mình yêu quý, có những người bạn mình thích giao lưu chẳng qua mến cái tài, yêu những nét cô đọng vì cái duyên, cảm động vì sự thăm hỏi, chăm sóc ân cần thân tình của những anh em bạn bè cũ mới. Cảm giác thích thú khi khám phá dáng vẻ phá cách của những nhân vật cá tính mạnh khiến mình thấy tò mò vui vui.. Cảm giác lạ lẫm lần tìm những nét hồn nhiên xưa, khi dõi nhìn lũ trẻ, những cậu ấm cô chiêu đùa giỡn ,chạy nhảy vô tư ồn ào, tươi cười trong gió chiều se lạnh. Cảm giác được yêu thương vỗ về trong tình bạn thật ấm lòng, dễ thương, cảm xúc cứ ngấm dần, ngấm dần, ăn sâu trong từng tế bào để thành nỗi nhớ …

Ai ăn chôm chôm, mận, xoài, sầu riêng, măng cụt hôn…
Alo, alo
Ai ăn chôm chôm, mận, xoài, sầu riêng, măng cụt hôn…

Tiếng rao lảnh lót, tha thiết của ngoại Long Khánh dễ đi vào lòng người, tiếng rao khiến cho người ta chú ý, nhất là đám bạn đang háo hức nghiêng ngó, vểnh tai mắt đảo liên tục tìm cơ hội rủ rê cái đám bạn già mê bạn, ham chơi, ham của lạ tụ tập…đã vậy còn được chơi chùa nữa chứ, sung sướng gì bằng..Bỗng nhiên nhóm trái cây được bà ngoại rao mà mình ăn thường ngày trở thành của ngon vật lạ, như đặc sản khan hiếm được thèm khát như “gan trời, mỡ muỗi”…Tiếng rao nhạy cảm đúng thời điểm như bắt mạch đúng bệnh, vậy là đám nghiện ăn chơi, nắm bắt cơ hội nhanh nhạy, hào hứng chuẩn bị khăn gói lên đường..

Chuyến dã ngoại đường xa càng đông, càng vui..từng nhóm người, từng gia đình di chuyển từ nhiều hướng như những bánh xe lãng tử lăn về Long Khánh. Sư phụ Hiệp tối hôm trước đi bộ xa hơn cây số để mê mẩn xem một bộ phim truyền hình nhiều tập đến mức về khuya trễ, sáng sớm phải lo cho đám chó nhỏ, đểnh đoảng bỏ lỡ chuyến đò, hành trình vượt hàng trăm cây số đến hội tụ đám học trò thật gian nan. Thầy hoang dại, lang bạt kỳ hồ như thế hỏi sao đám học trò chịu thua kém, hậu sinh khả úy…Lũ học trò còn hoang dã hơn thầy. Chút máu nghệ sĩ pha loãng đủ khiến cho ai dây dưa vào họ nếu không đủ bản lãnh để thấu hiểu thì cho rằng toàn là lũ điên, điên khùng trong tư tưởng, ngạo mạn trong từng nụ cười, bất cần đời trong mọi hoàn cảnh..Lũ học trò sống hoang dại như đám xương rồng trong sa mạc, được nuôi sống bằng tình yêu và khí trời, trưởng thành trong tình yêu man dại và tự do hít thở không khí trong lành của bầu trời xanh lồng lộng.

Đường vào vườn trái cây nhà ngoại Long Khánh như ảo ảnh chợt nhớ quê xưa..Cảnh đi bộ lội sình trên con đường đất nhỏ bên vườn cây trĩu cành, bên đồng lúa ngát xanh..Một màu xanh mát dịu thanh bình …Những giọt mưa rả rích rơi ướt dầm vai áo mát lạnh, thoang thoảng mùi hương đồng cỏ nội như mùi hoa trinh nữ làm ngất ngây những kẻ si tình, lãng mạn. Màu hương sắc đậm chất quê trong áng chiều tà như thấm đẫm vào lòng người, man mác sầu, những nỗi sầu muộn vô cớ khó tả để rồi được tan biến trong niềm vui vỡ òa khi đến tận nhà ngoại, tận mắt nhìn những người bạn, trao cho nhau những lời chào, những nụ cười và câu chuyện hỏi thăm rôm rả thân tình như những kẻ ở xa lâu ngày gặp lại. Chuyến họp mặt Tánh Linh khoảng hơn hai tháng vậy mà tưởng chừng như lâu lắm, như cách biệt nghìn dặm giờ được trùng phùng khiến ai cũng náo nức, sự háo hức của những kẻ say đói mồi, tình bạn, tình thầy trò như món mồi ngon chẳng bao giờ đủ không thỏa được cơn say, không thỏa được cơn khát tình…để rồi sau một cuộc chia tay lại nhen nhúm,len lỏi ý tưởng một cuộc hội ngộ sắp tới…

Gia trang nhà ngoại thật nên thơ, từ cổng vào nhà những nhánh chôm chôm vàng, cam đỏ nhìn thích mắt. những chùm cây lòa xòa rủ hai bên đường như bàn tay thơ mộng vuốt ve vỗ về lữ khách,.xen kẻ là những gốc măng cụt, trái xanh mới nhú gợi nhớ đến tay lãng tử bán bưởi dạo, từ ngày mở rộng kinh doanh nhận bóp gỏi bưởi, chắc đắt hàng lắm hay sao mà lặn mất tăm bỏ mất cơ hội nhìn ngó chôm chôm và măng cụt, thật đáng tiếc. Nhớ đến anh Hoán, bỗng nhiên tạm bỏ nhà thả hồn đi hoang, không biết giờ lang bạt phương trời nào, nhớ anh Năm Sườn tung hứng, quân tử ăn chơi không quên bạn hiền, nhường nhịn món lạ, món ngon, những trái vú sữa thơm mơn mởn, bưởi năm roi xanh mướt rượt, kẻ ôm nữa trái này, người ăn nữa trái kia..Giờ chê chôm chôm,măng cụt hay sao mà lặn mất tăm, chợt nhớ Ntử khóa2 một thời tung hoành ngang dọc để lại nổi sầu nhớ tương tư cho em gái Hoàng thị Mộng Mơ, rồi truất ngựa truy phong một đi chưa chịu trở lại..

Giận anh
Em lặng thầm không nói..
Môi run run, dòng nước mắt nghẹn ngào
Anh
Quay lưng bước thẳng
Chưa một lần quay lại..
Em
Rã rời chết điếng.
Dặn lòng.
Tha thiết.
Đợi anh về.
Thương tặng nụ hôn say..

Ngắm nhìn trái cây, thả hồn tương tư nhớ nhung, ăn vụng chôm chôm no nê chê chán, dạo bước trong sình nhừa nhựa, lướt trên đám cỏ non ướt át khoảng 50m là đến ngôi nhà đơn sơ giữa trang trại rộng mênh mang, Ngôi nhà được chủ nhân mở rộng sạch sẽ gọn gàng, lên kế hoạch chuẩn bị đón những người bạn khiến ông bà chủ nhiều đêm mất ngủ, tính toán xem đãi bạn món gì, ăn chơi thế nào cho khỏi nhàm chán, sự nhiệt tình, chu đáo đãi ngộ khách phương xa khiến lũ bạn cảm động, cả đám quây quần bên nhau, no say chán chê trong bia rượu chồng chất men tình..món cút nướng thơm lừng, gỏi bò quyện lẫn mùi hương tổng hợp của nồi lẩu mắm, hấp dẫn vị giác, gặm nhấm vị ngọt của những ổ bánh mì được anh bạn Đức Hà tham gia cuộc vui tài trợ, nhấp từng ngụm bia chạnh lòng lại nhớ đến những người bạn bận rộn ở nhà, những người bạn phương xa chưa tái ngộ, nhớ đến anh Tề Thiên hào phóng tặng bạn chầu bia, những giọt bia như những giọt mưa rả rích, như những tiếng côn trùng kêu réo rắt gọi bạn hiền trong đêm khuya, như những kỷ niệm xưa cũ được gợi nhớ lại bằng những câu chuyện trào phúng từ thời sinh viên ngây ngô, nghịch ngợm, học hành thì ít mà quậy phá thì nhiều.

Bác Tống vui quên cả ăn nhậu, bác ấy quả thật là người đàn ông ân cần và chu đáo, yêu quý bạn bè đến mức xả thân quên cả vợ, cô vợ mà bác mê như điếu đổ lúc nào cũng bám dính như sam. Hôm nay xin lỗi vợ yêu, dẹp vợ qua một bên chăm bạn tí nhé, mà phu nhân của bác thì chẳng kém cạnh, ông làm gì mặc ông, tôi cũng đàn đúm với đám bạn gái sồn sồn, nghiêng ngã cười đùa, chẳng còn gái tơ nữa nên chẳng cần ỏng ẻo duyên dáng với ai, ngồi cạnh đám bạn hiền một thời học trò thơ dại, cận kề ăn chung mâm, ngủ chung giường, được tưới mát tắm chung dòng nước giếng khan hiếm mát lạnh trong ngôi trường như mái nhà chung, lúc đó lớn cũng như bé, khóa trên cũng như khóa dưới, đứa nào cũng trần như nhộng, thỉnh thoảng làm mồi cho những cặp mắt gian tà, láo liên xăm soi của đám trai trẻ tò mò nhìn qua những khoanh thủng lỗ chỗ của tấm ván tường nhà tắm mục nát...hahaha lúc đó chị em ta co rúm, rú lên vì hoảng sợ, sợ bị nhìn trộm sẽ mất hương phấn trinh nữ... hahaha
TL ước gì lúc đó giới tính là Les, là Ô môi chắc hổng bỏ sót, hổng chê em nào..hichic…

Bác Tống bận rộn khí thế cầm micro giới thiệu những gương mặt mới. Bác khuấy động phong trào đề nghị anh chị em phát biểu cảm tưởng, chiếc micro được truyền từ người này sang người kia với những lời nói mộc mạc, đơn sơ không chút sáo từ dành cho bạn bè, ngắn gọn và giàu cảm xúc..Sau lời phát biểu chân tình là chương trình văn nghệ với những giọng ca vàng. Những giai điệu ngọt ngào sinh động, những tình khúc vượt thời gian nghe mãi không chán làm mọi người mãi mê thưởng thức, quẳng hết gánh lo đi mà vui trọn vẹn với bạn, để sống thật với những phút giây thần tiên thân tình bằng hữu.

Có hai anh em mặc áo sơ mi trắng tinh, tinh khôi, hiền lành, thật dễ mến, nét hiền hậu luôn gây cảm tình cho người đối diện ..Hỏi dò mới biết tên, anh Phi Hùng khóa1 và anh Phước khóa2..
Thật lạ lùng, dân số thế giới bảy tỉ người vậy mà trời ban cho mỗi người mỗi vẻ chẳng ai giống ai, nếu như ta chú ý sẽ nhìn thấy những nét đáng yêu, đáng ghét, đôi khi gây ấn tượng mạnh mẽ làm mình thương quý nhưng không dám bộc lộ chỉ cảm mến trong lòng,
Có một nhân vật nghịch như giặc, nét ba gai hiển thị qua ánh mắt, cử chỉ, qua cách hành xử với bạn bè..hèn chi thưở xa xưa nằm trong nhóm cá biệt tham dự “hội bàn kê” giờ tóc muối tiêu vẫn còn nghịch phá...Làm ai cũng lầm tưởng bác mượn danh Ngốc tử khóa2 để thỏa cơn chọc phá bạn bè…hahaha..bác Trọng Triệu thật ấn tượng, tuổi trẻ bác ấy chắc ba gai và hoang dại, ham chơi lắm nên dừng chân lập gia đình trễ đển giờ đã đeo kính lão mà còn phải khuấy bột, ầu ơ dí dầu ru con mọn.

Thêm một ông thần quậy phá lúc nào cũng cười hà hà ..chẳng ra vẻ ông thầy gõ đầu trẻ chút nào, khi cần trịnh trọng giả bộ nghiêm trang thì bác như kịch sĩ “rắn đóng giả lươn”, bản năng nghệ sĩ nghịch ngợm thì bác dư thừa …

Hà hà
Trong cơn say anh đến bên em.
Nghe xôn xao thao thức con tim.
Hà hà
Bác Quang Hoàng mà tán gái thì đóng kịch giỏi phải biết…dễ lầm chết …
Nhưng bác ấy làm giáo viên thì học trò dễ thở, chẳng biết ăn ốc đoán mò có đúng không?
Bác hát cũng rất hay
Hà hà..

Chị Cao Song, cũng như anh Hoàng Ánh dễ làm cho đám đàn em ngưỡng mộ..Mỗi người tròi phú cho những sở trường riêng, những nét đáng yêu riêng và mọi người luôn nhìn nhau, khâm phục và trân trọng những giá trị, những thành quả lao động của người khác mà mình chưa đạt tới..
Cao Song tên cũng như người, cao dong dỏng song tài năng, mộc mạc hồn hậu.

Mọi người cứ bám vào nhau ăn chơi nhảy múa..Thời gian qua thật nhanh, trời chiều mưa âm u rồi từ từ tối xầm..Cảnh làng quê thanh bình, tha hồ hò hét ồn ào náo động cũng không ảnh hưởng đến bàn dân thiên hạ trong vùng. Mưa cũng đã tạnh, lũ ếch nhái, và lũ dế kêu rả rích trong đêm nghe não lòng, thấm thía, hầu như đám bạn mãi vui với bạn bè không màng thưởng thức cảnh vùng quê yên ả, họ quên hết những phiền muộn, quên hết những nỗi niềm riêng, rủ bỏ những lo toan cơm áo gạo tiền, thế giới chiến tranh mặc kệ, có tận thế thì cũng vô tư, nền kinh tế lạm phát, giảm phát, sản xuất đình đốn trì trệ họ chẳng quan tâm, thằng nào chết cứ chết, thằng nào lươn lẹo lên cứ lên, thằng nào tham lam ăn dày, ăn vụng không chùi mép lộ thì cứ lộ, trốn tránh trách nhiệm thì để hậu thế lịch sử phán xét, họ quên hết sự đời, họ say sưa tụ tập quây quần cùng đám bạn tâm tình trong không gian nhỏ ấm cúng, ngồi sát vào nhau, vai kề vai, lưng dựa lưng truyền cho nhau dòng nhiệt điện bỏng cháy, hun đúc tình thầy, nghĩa bạn sáng ngời, truyền ngọn lửa yêu thương, mang thông điệp vươn tới giá trị sống đẹp, thanh cao, thắp sáng những ước mơ, hạnh phúc rạng ngời trong ánh mắt.

Càng về khuya tinh thần văn nghệ càng hào hứng, anh Hiếu khóa2, ốm nhom có chiếc mũi cao cao mọc giữa mặt gây cảm xúc đặc biệt, tính cách nghệ sĩ được biểu cảm qua giọng hát trầm ấm, vừa hát anh vừa thổi kèn acmonica nhún nhảy múa may theo từng giai điệu, anh cất giọng hát bè phụ họa cùng bạn bè tạo nên âm thanh say sưa, ngây ngất, mọi người mắt tròn mắt dẹt trầm trồ…quả thật đáng yêu..dễ thương ghê, cá tính đặc trưng mang đậm nét thanh lịch, kiểu cách vùng miền xứ Huế của anh làm người ta xao xuyến, lắng đọng, anh cười hàm răng trắng bóng nhẹ nhàng..Nhìn hàm răng của anh lại nhớ đến nụ cười khanh khách, hồn nhiên vô tư của anh em nhà Hoàng Huy, Hoàng Ánh..
Anh Nam Con nhìn gầy toong như người mẫu, mình hạc xương mai nhưng giọng ca nội lực thâm hậu, giọng anh hát, hòa chung tiếng hát bè, tiếng acmonica réo rắt nghe đã đời.
Âm nhạc thật tuyệt diệu, làm tâm hồn bay bổng, đắm chìm trong nhạc cảm bỗng thấy yêu đời, phấn chấn dễ chịu.
Nhà toán học, thiên văn học cổ đại Hi Lạp đã từng nói: “Mang những âm điệu hoà hợp lại với nhau, có thể làm cho các loại đố kỵ, xung đột, chuyển hóa thành đức tính tốt đẹp”.

“Ngoài âm nhạc, hội họa hay thư pháp, khiêu vũ hoặc các loại hình nghệ thuật khác đều có ảnh hưởng đối với tâm hồn con người. Nó không những giúp con người thăng hoa trong cuộc sống mà còn khơi gợi ở mỗi người những sáng tạo mới mẻ, nó làm thỏa mãn mong muốn thể hiện bản ngã của cá nhân, mong muốn mang tài năng của mình phục vụ mọi người. Các loại hình nghệ thuật chân chính làm giàu tâm hồn con người. Sự hun đúc, khổ luyện của một con người trong một môn nghệ thuật có thể rèn đúc cá tính của người đó và có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời của họ. Có thể nó mang lại những lợi ích và thành quả không thể nhìn thấy được, nhưng đối với tâm hồn của họ, nó làm giàu tâm hồn lên rất nhiều, nó khuyến khích tính sáng tạo ở họ. Khi họ gặp phải những trắc trở, thất bại trên đường đời, cũng có thể nhờ sức mạnh của nghệ thuật mà họ có thể dũng cảm vươn dậy, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước đi lên”

Vậy mới hiểu được tại sao anh Duy Hải, anh Hoàng Huy, Phương Hoa, chị Hoài Tiên, anh Di Linh, anh Minh Hiếu, anh Thái Phi, anh Khánh đen, anh suối Đổ, anh Phong, anh Hiếu khóa2 và một số anh chị khác đam mê vẽ như thế, rõ ràng những bức tranh đẹp, tràn ngập sắc màu là linh hồn là sự sống của bạn mình..
Sáng sớm sau khi đi nhà thờ về Phương Hoa và bác Tống đã lục đục chuẩn bị đồ nghề hành sự, sáng tác, trước khi dạo tìm những góc tranh đẹp, Phương Hoa nói:
“Chị TL đã được hát như tìm được niềm vui, còn PH chưa được vẽ nên chưa thỏa mãn, cuộc vui chưa trọn vẹn…”
À! thì ra được vẽ, được múa cọ, được phẩy phết như là gửi gấm nội tâm, tình cảm lên tranh, như được giải tỏa những khát khao bỏng cháy, như tình yêu trai gái nồng ấm trong từng nụ hôn thì người họa sĩ ấm nồng trong từng mảng màu, từng nét cọ.
Hà hà…
Chắc mình phải cầm cọ lại thôi, để được yêu vạn vật xung quanh, yêu cây cỏ xanh tươi, hoa bay bướm lượn, được yêu thiên nhiên, con người qua từng nét vẽ như yêu người tình ngập tràn cảm xúc miên man,ngọt ngào, lắng đọng.

Đêm Long Khánh vật vã quay cuồng trong cơn say tình bạn, gần 3h sáng vẫn còn nhóm mê hát hò, như mê vẽ, như mê những người tình trong mộng. Ai không hát thì chun vào mùng lim dim vật vờ, làm sao ngủ được khi âm thanh của dàn karaoke chưa tắt, nghe giọng ca trên nền nhạc tiền chiến du dương, thưởng thức thấy tâm hồn man mác, giấc ngủ chập chờn như người mộng du lang thang trong từng cung bậc cảm xúc, thỉnh thoảng tiếng ồn ào, tưng bừng khí thế của âm thanh nhạc đỏ nghe như bừng tỉnh, giấc ngủ mang tâm trạng hoảng hốt như sắp sửa bị lôi lên đường tòng quân..Một đêm vật vờ, dật dờ, nằm sát cạnh những người bạn, một sự trải nghiệm tuyệt vời, ấm cúng nó khác với cảm xúc trong cuộc dã ngoại Tánh Linh, bất đắc dĩ bầu bạn với lũ côn trùng tấn công trong đêm mưa rả rích, ơn ớn nỗi da gà thức trắng trong đêm khuya tĩnh mịch., trong bầu không khí rộng rãi, vắng lặng, lạnh lẽo..Chuyến này lũ ruồi muỗi, sâu bọ không còn cơ hội.. Thật cảm động, những chiếc mùng đã được bàn tay nàng tiên Thủy phu nhân anh Dũng gửi hết tấm lòng cắt may để chăm sóc đức ông chồng yêu quý, chăm bạn chồng yên giấc ngủ lành, Những nàng dâu Kim Linh, Lệ Hằng, Hương, Thủy, Tám chị Mai như những nàng tiên thầm lặng, lăn xả quên tấm thân ngà ngọc, tất bật phụ giúp gia chủ bày binh bố trận, bày mồi nhậu với những bữa ăn rôm rả chân tình, nồng nàn chăm sóc nhau với tình thân, đơn sơ giản dị nhưng đầy ắp tình người.

“Lặng yên nghe con tim, với bao nhiêu nồng say như chơi vơi, nếu như đây là mơ xin cho tôi dừng thêm phút giây này”

Con người cũng thật lạ lùng, có những điều bí mật bao nhiêu lâu dấu kín, những nỗi niềm riêng được chôn sâu trong lòng, sống để dạ chết mang theo, thời gian một ngày dài gần gũi, được khơi mào bằng những lời thăm hỏi chia sẻ thân tình, bỗng moi ruột gan bộc bạch, tâm sự tuôn trào như được khai thông nguồn mạch..Tâm sự cũng như hát, như vẽ, như được trút nhẹ cõi lòng..Hình ảnh bác Phi LK đi lang thang trong mưa, cày tới cày lui trong sình, cày nát thửa ruộng đen kịt mới đến thăm được bạn, số bác rõ khổ, hoàn cảnh bác thật đặc biệt, con đường tình bạn trải rộng thênh thang nhưng đối với bác thật chông gai, ra về cứ nhớ đến những lời tâm tình tự sự của bác chạnh lòng thấy thương, nỗi thương cảm mang theo cả trong giấc ngủ vùi..

Ấn tượng bạn bè ai cũng có những nét duyên riêng để lưu lại, để nhớ, Bạch Yến lúc nào cũng nhẹ nhàng, đằm thắm. Bích Thủy sang trọng giỏi giang, Chị Bảy hồn nhiên như chim sáo, Phương Hoa hiền lành chậm chậm yên bình, chị Mỹ Dung lúc nào cũng trẻ trung, nghe giọng cười như nhạc hiệu đoán được chương trình, vui tươi trên từng cây số. Chị Hoài Tiên mộc mạc cương trực, bất khuất mạnh mẽ, những việc khó nan giải nhất, tế nhị nhất như đi gom tiền bỏ ống heo trả tiền xe, được đùn đẩy giao phó trách nhiệm cho chị..Một tập thể bầy đàn đông đúc với nhiều tính cánh mềm cứng, nóng lạnh, những thiên thần mong manh dễ vỡ và những yêu quái dễ thương, quậy tưng hào hứng trái chiều làm nên một tập thể đa phong cách, tưng bừng hấp dẫn như truyền thêm lòng nhiệt tình như ngọn lửa trại bừng bừng khí thế không cảm thấy nhàm chán.Thời gian không thể đủ để khám phá ý hay, nét đẹp của từng anh chị em bạn bè, hình ảnh lưu niệm như những thước phim quay chậm êm đềm, chỉ thầm nghĩ rằng trường mình có nhiều nhân cách tài năng đặc biệt, sự giàu nghèo, đẹp xấu bỗng trở nên tầm thường chỉ còn sự cảm mến sâu nặng bởi những nụ cười hiền hòa vô tư, bởi những ánh nhìn đong đầy cảm xúc..

Chuyến đi Long Khánh gây ấn tượng tốt đẹp, các anh chị những khóa đầu được hội ngộ những người bạn xưa, như anh Bình, anh Thạc, anh Minh râu, anh Thành Nam… chị Bích Phượng..Mọi người đều hào hứng vui như Tết..
Chị Bích cũng lặn lội bỏ mặc ông chồng đẹp trai, hòa mình đi chơi cùng lũ em út, vui vẻ hòa mình hát những giai điệu hò Huế trọ trẹ dễ thương như tấm lòng nhẹ nhàng, hiền lành của chị.
Chị Mai bà xã anh Phong mang phong thái quý bà Hà nội sâu sắc tình cảm, chị gần gũi với mọi người tự nhiên, ân cần như thân quen thưở nào. Một vài anh chị em vắng mặt, thiếu vắng giọng cười giòn tan của anh HHuy, anh Ánh, vắng dáng hiền anh Thạnh, anh Mác, anh Khánh vt, anh Nguyên, anh Long càn vôi, anh Tú xệ..chị Tứ, chị Nên, các anh hùng hảo hán “hội bàn kê.”…nhưng bù lại tiếng ca lanh lảnh, trong trẻo của Lệ Hằng bà xã phóng viên chiến trường Di Linh, giọng ca trầm ấm của anh Quyết bạn bác Tống, giọng hát hiền lành của hai anh em trắng tinh khôi Hùng, Phước, anh Bình hiền hòa như thầy tu, anh Thành gốm và anh Hải Bằng cất những tiếng ca vui vẻ, giọng ca tiếng nhạc xập xình thâu đêm suốt sáng. Anh Nhân lúc nào cũng lặng lẽ, thâm trầm không biết có tâm sự gì không? .. Hai em Tùng, Hoàng đệ tử anh Minh Châu rất dễ thương, hòa đồng với các anh chị như người cùng một nhà thân thiết, Tùng còn hồn nhiên trổ tài vẽ chân dung, người mẫu là TL, nhìn vào khuôn mặt được Tùng vẽ cách điệu đẹp trẻ trung, lạ lẫm như gái 18 làm mình cười ngất.. Sự ngây thơ, trong trẻo của những đứa trẻ tham gia du ngoạn cùng bố mẹ tụ tập thành nhóm vui chơi thỏa thích, lặn ngụp trong nước hồ xanh trong, đùa giỡn vui cười trong nắng, tâm hồn thư thái bình yên, tạo nên không khí êm đềm, hạnh phúc trọn vẹn như một đại gia đình đầm ấm..

Cuộc vui nào rồi cũng tàn..khoảng khắc chia tay cũng thật ấn tượng .
Sau một buổi sáng tàn phá vườn chôm chôm của gia chủ, sau buổi cơm trưa no đủ, cuộc vui bế mạc, mọi người í ới gọi nhau ra về, từng người từng người tạm biệt cảm ơn ông bà chủ tiệm sơn, chiến lợi phẩm mang về là những bịch chôm chôm vàng cam chưa chín tới, như những cô gái ngây thơ non dại tuổi dậy thì bị ép đi lấy chồng, những bức tranh dang dỡ nhưng đủ gam màu nóng lạnh, đủ đẹp để đong đầy kỷ niệm..Cuộc chia tay nào chẳng lưu luyến, bịn rịn mặc dù thừa biết là sẽ có dịp gặp nhau nữa..Văn hóa chia tay cũng gây nhiều cảm xúc, đôi bàn bắt tay nắm chặt lắc lư, mắt nhìn mắt, cất lời chào tạm biệt như thể sắp xa nhau nghìn trùng..

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”

Đông quá có những người chưa kịp chào tạm biệt, ra về áy náy trong lòng, Ngoái nhìn lại thấy thương anh Tuyến và Bích Thủy..Cuộc vui như cơn bão đi ngang càn quét, ngỗn ngang như bãi chiến trường,
Hạnh phúc đâu dễ tìm, đâu phải tự dưng mò đến, nó được trả giá bằng nước mắt, bằng sự hy sinh, bằng sự độ lượng, bằng tình yêu thương chia sẻ chân thành mà đồng tiền không thể mua được. Ra về thương bạn nhưng hiểu rằng bạn mình vất vả trong hạnh phúc, những hình ảnh đẹp sẽ lưu lại trân quý như kỷ vật để khi vui buồn nhớ đến đám bạn là nở nụ cười ấm áp, gợi nhớ những dấu ấn đong đầy, chất chứa kỷ niệm trên từng hàng cây bụi cỏ, trên từng gốc rễ chôm chôm, măng cụt bao quanh khu vườn vắng lặng.

Dáng thầy Hiệp gầy liêu xiêu lủi thủi ra về một mình đơn lẻ, nhớ khuôn mặt thầy thánh thiện, lại thấy chạnh lòng, nước mắt lại chực chờ rơi..

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh.
Tha thiết mong tìm về bạn cũ
nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió
vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây
mờ khuất xa xôi nghìn phương ”

29/05/2012
Kỷ niệm chuyến dã ngoại Long Khánh.